Nguyên nhân hư hỏng của Động Cơ

VÌ SAO ĐỘNG CƠ BỊ HỎNG? LÀM GÌ ĐỂ NGĂN NGỪA NÓ?

Động cơ điện là một thành phần sống còn của hầu hết các nhà máy công nghiệp. Mặc dù động cơ điện được nhà sản xuất khuyến cáo với tuổi thọ rất lâu và ít cần phải bảo trì, nhưng chúng ta đâu biết rằng, trên thực tế, tồn tại rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hư hỏng. Vậy, làm sao để ngăn ngừa nó? Để làm được điều này, chúng ta cần phải xây dựng một chương trình bảo trì chẩn đoán PdM, bảo trì dựa trên tình trạng CBM dành cho động cơ điện để tìm và phát hiện sớm những tác nhân làm hư hỏng động cơ, góp phần kéo dài tuổi thọ, nâng cao tính ổn định cho nó.

ĐỘNG CƠ ĐIỆN: MỘT TRONG NHỮNG NGUYÊN NHÂN HƯ HỎNG VÀ CÁCH PHÒNG TRÁNH

QUÁ TẢI
Động cơ hoạt động quá tải có thể gây nên những sự cố cực kỳ nghiêm trọng. Quá tải, quá dòng, sinh nhiệt cao khi hoạt động, cách điện động cơ sẽ bị xuống cấp nhanh chóng. Tức nhiên là động cơ điện của bạn đã được bảo vệ quá dòng, quá tải!

NHIỆT
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên sự tăng nhiệt độ động cơ khi hoạt động. Quá nhiệt sẽ làm sức khoẻ cách điện xuống cấp nhanh chóng. Theo thống kê, hơn một nữa trường hợp hư hỏng cách điện của động cơ điện bị gây nên bởi quá nhiệt.
Động cơ hoạt động trong môi trường nhiệt độ cao cũng là một trong những nguyên nhân làm cho quá nhiệt. Để ngăn ngừa điều này, phải chắc chắn rằng hệ thống làm mát của động cơ phải hoạt động tốt.
Một trong những nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng quá nhiệt là hoạt động với chất lượng điện năng kém. Điện áp quá nhiều sóng hài thứ tự 0, thành phần không sinh công quay nhưng sinh nhiệt, dẫn đến nhiệt độ động cơ tăng cao. Mất cân bằng điện áp cung cấp cho động cơ cũng là một trong những thành phần quan trọng cần được quan tâm theo dõi, vì nó có khả năng làm tăng nhiệt cao, cứ 3.5% điện áp mất cân bằng gây nên nhiệt tăng 25% (theo EPRI), là quá nhiều!
Và còn nhiều nguyên nhân khác!

ĐIỆN TRỞ CÁCH ĐIỆN THẤP
Cách tốt nhất để phòng tránh điện trở cách điện thấp là đo và theo dõi điện trở cách điện trong những lần dừng máy có kế hoạch. Chúng ta có từng gặp trường hợp, buổi sáng khi trời mát đo điện trở cách điện cao, đến trưa khi nhiệt độ môi trường tăng, điện trở cách điện giảm xuống? Điện trở cách điện phụ thuộc vào nhiệt độ cách điện? Câu trả lời là có! Đó là nguyên nhân mà tiêu chuẩn IEEE 43-2000 khuyến cáo về việc đo và theo dõi giá trị điện trở cách điện, giá trị được theo dõi phải được hiệu chuẩn về 40 độ C. Lưu ý quy trình: đo, hiệu chuẩn và theo dõi.

ĐỘ ẨM
Luôn giữ cho động cơ khô ráo, hơi nước có thể làm ăn mòn bề mặt bạc đạn, rotor và trục động cơ. Độ ẩm cũng là những tác nhân gây nên hư hỏng của cách điện khi cách điện bị nhiễm ẩm.

BỤI BẨN
Bụi bẩn và ô nhiễm là một trong những thành tố gây hư hỏng động cơ. Nếu bụi bẩn bám vào bề mặt cách điện sẽ ảnh hưởng đến giá trị cách điện, nếu bám vào bề mặt quạt làm mát và phần trao đổi nhiệt trên động cơ, dẫn đến động cơ sẽ hoạt động với nhiệt độ cao hơn bình thường. Hệ thống “gioan” làm kín và phần trao đổi nhiệt trên động cơ phải được kiểm tra và đảm bảo thường xuyên.

RUNG ĐỘNG

Chúng ta quá hiểu về việc rung động gây nên hư hỏng động cơ. Rất nhiều nguyên nhân sinh ra rung động, như là mất cân chỉnh khớp nối, mất cân bằng quạt, lỏng chân đế… các nguyên nhân này đều có thể gây hư hỏng bạc đạn. Chúng ta có thể dùng phân tích rung động để theo dõi và phân tích nguyên nhân rung động, hoặc với bạc đạn, chúng ta có thể dùng thiết bị phân tích sóng siêu âm để ngăn ngừa và phát hiện sớm tình trạng của bạc đạn.

Giải pháp đánh giá toàn diện tình trạng Động cơ điện (CCAM)

Biên soạn: VPower Reliability.